Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của phường Thạch Linh, nhưng có vai trò rất quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khu vực đô thị, thời gian qua, phường Thạch Linh đã rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp từng vùng. Trên cơ sở rà soát diện tích và cây trồng, vật nuôi, phường đã xây dựng kế hoạch vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi, trồng các loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng những ao hồ, đầm lầy bỏ hoang, phường Thạch Linh đã trồng các loại sen vừa mang lại giá trị kinh tế vừa tạo môi trường xanh- sạch- đẹp.
Với niềm đam mê cây cảnh, chịu khó tìm hiểu, học hỏi ông Trần Văn Cương ở khối phố Nhật Tân đã có một vườn hoa lan cho thu nhập khá cao. Ông Cương cho biết, nhận thấy nhu cầu người chơi lan trên địa bàn thành phố nói riêng và các địa phương lân cận khá lớn nên ông bắt đầu đầu tư nhiều loại hoa lan. Thời gian đầu, việc trồng lan gặp không ít khó khăn, nhưng quyết tâm gắn bó với nghề không làm ông chùn bước. Mỗi khi gặp khó khăn, ông Cương mua sách báo, lên mạng xem hướng dẫn kỹ thuật trồng lan, học hỏi từ người có kinh nghiệm để áp dụng vào vườn lan của mình. Nhờ chịu khó tìm hiểu, thử nghiệm các phương pháp tiên tiến, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên vườn lan của ông ngày càng phát triển tốt.
Hiện tại, với mảnh vườn trên 1.000 m2, ông Cương đã đầu tư 3.000 chậu lan các loại. Lan chủ yếu được nhập từ các tỉnh miến Bắc như Phú Thọ, Hà Nội gồm: Lan Hồ điệp, lan kiếm, Long Tú Xuân, Hạc vĩ, Hoàng Lạp, Vảy rồng, Sơn Thủy tiên, Tai trâu, Bạch Nhạn, Kiều…Tùy theo mỗi loại lan mà giá bán dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đối với các loại lan thường, còn các loại lan quý hiếm có giá đến hàng triệu đồng.
Với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác, nghề trồng hoa lan hiện đã và đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn phường Thạch Linh nói riêng và các xã, phường ở thành phố Hà Tĩnh nói chung. Hoa Lan không những làm cây cảnh trang trí cho ngôi nhà, vừa mang lại thu nhập cao cho gia đình, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo vẻ mỹ quan đô thị.
Vườn Lan của gia đình ông Trần Văn Cương ở khối phố Nhật Tân cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây trồng khác.
Với đặc tính dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, ít dịch bệnh, được sự hỗ trợ của chính quyền điạ phương, gia đình anh Lê Văn Bình ở chi hội Tuy Hòa phường Thạch Linh đã tập trung cải tạo mặt nước, đầu tư vào mô hình nuôi ốc bươu đen, lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu gia đình đã đầu tư xây dựng 10 bể nhỏ, cải tạo 1 ha ao hồ để nuôi lươn, ốc bươu đen, cua đồng….Ngoài ra, anh còn nuôi thêm các loại cá gồm cá chép, cá rô phi và trắm kết hợp trồng cây ăn quả. Theo anh Bình, lươn, ốc bươu đen và cua đồng được thị trường rất ưa thích. Ngoài ra, đây là loại thủy sản dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ đất hoặc bể xi măng. Nhờ chất lượng ốc bươu đen của anh nuôi trong môi trường tự nhiên và thức ăn đều là những loại rất quen thuộc, dễ tìm như các loại bèo, rau cỏ mọc tự nhiên, không dùng đến các loại thức ăn công nghiệp, nên thị trường rất ưa chuộng.
Nuôi ốc bươu đen và lươn trong bể xi măng được gia đình anh Lê Văn Bình khối phố Tuy Hòa phường Thạch Linh bước đầu áp dụng thành công.
Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, những năm qua, UBND phường Thạch Linh đã chỉ đạo, đôn đốc, khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, thông qua việc khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nội thành, phường Thạch Linh đã định hướng đưa các cây trồng phù hợp với nhu cầu của người dân vùng nội thành, đạt hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. UBND phường cũng đồng hành cùng bà con nông dân từ cung cấp cây, con giống đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư vào sản xuất, Hội nông dân phường Thạch Linh đã thành lập các tổ vay vốn tín dụng, tín chấp các ngân hàng cho hội viên vay hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho hội viên, nông dân. Đến nay, hội đã thành lập 5 tổ vay vốn, với số dư tại ngân hàng CSXH 8,2 tỷ đồng cho 124 hộ vay. Ngoài ra các chi hội còn vận động xây dựng quỹ tiết kiệm cộng đồng, tiêu biểu như chi hội Linh Tân hàng năm huy động từ 70 – 80 triệu đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế… Nhờ có nguồn vốn, đến nay trên địa bàn phường Thạch Linh đã hình thành và phát triển được nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình dưa nhà lưới, cây ăn quả, mô hình trồng hoa lan, mô hình trồng hoa trong nhà có mái che, mô hình trồng sen kết hợp với nuôi cá, mô hình trồng rau an toàn...
Có thể nói, bằng sự năng động, linh hoạt, phường Thạch Linh đã và đang xây dựng và phát triển những mô hình nông nghiệp mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo sự bứt phá trong việc nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo nên diện mạo mới cho nền nông nghiệp ven đô./.