1. Tài nguyên nước.

Phường Thạch Linh có nguồn nước phong phú nhờ hệ thống sông Cầu Đông,  hệ thống kênh tưới N1-9 và các nhánh kênh của N1-9 chảy qua địa bàn. Ngoài ra còn có 3 tram bơm trên hệ thống sông Cầu đông với tổng công suất 1400m3/h. Với lưu lượng hiện tại cơ bản đã phục vụ tưới nước gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp/vụ và đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn.

2. Tài nguyên rừng và động, thực vật.

          ………….

3. Tài nguyên khoáng sản.

          …………….

4. Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

          …………..

5. Tài nguyên Biển.

…………..

DIỆN TÍCH – DÂN SỐ.

(Số liệu theo niên giám thống kê thành phố Hà Tĩnh, tháng 5/2020)

TT

Nội dung

Số liệu

I

DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN (ha)

625,95

II

DÂN SỐ

 

1

Tổng số hộ dân ( Hộ )

2.503

2

Tổng dân số (người)

9.026

     +    Nam

4.456

     +    Nữ

4.570

Phân theo khu vực

 

    + Thành thị

9.026

    + Nông thôn

-

3

Mật độ dân số ( Người/km2 )

1.442

4

Số trẻ em được sinh ra trong năm

139

     + Trong đó: Sinh trên 2 con

36

     + Tỷ lệ sinh trên 2 con (%o)

15,4

5

Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số (%)

11,3

 

        CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN.

        1. Di tích lịch sử văn hoá: Văn Miếu.

         Địa chỉ: Tổ dân phố Vĩnh Hòa - Phường Thạch Linh

         Văn Miếu Hà Tĩnh được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) trên cánh đồng thuộc xã Đông Lộ (nay tổ dân phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) với một quần thể kiến trúc tương đối lớn gồm 3 tòa nhà chính được cấu trúc theo hình chữ “Môn”, trong đó Nhà chính là nơi thờ Chí Thánh (Khổng Tử) và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), tả vu và hữu vu là nơi thờ Thất thập nhị hiền, các bậc tiên hiền, tiền bối… Ngoài ra, đây cũng là nơi để đào tạo các nho sỹ, cống sỹ, hiền tài phục vụ cho quê hương đất nước, đồng thời là nơi ghi danh các thế hệ người Hà Tĩnh học hành, đỗ đạt cao… Tuy nhiên, trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Văn Miếu Hà Tĩnh đã bị tàn phá nặng nề, nay chỉ còn lại rất ít dấu tích. Năm 2010, căn cứ Luật Di sản, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án Phục hồi và Phát huy giá trị Di tích Văn miếu Hà Tĩnh. Tháng 12/2014, trên nền đất cũ tại phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh hiện nay, Di tích được phục dựng với tổng diện tích khuôn viên 1,67 ha. Tổng kinh phí ban đầu đầu tư 79 tỷ đồng, bằng 2 nguồn, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Tháng 12/2019, tuy công trình chưa hoàn thiện, nhưng chính quyền địa phương mở cửa để người dân tham quan và tiếp tục góp ý kiến. Kế hoạch đón khách rộng rãi đầu năm 2020 lại phải lùi lại tháng 5 vừa rồi do dịch COVID-19. 

          Công trình Văn miếu Hà Tĩnh được góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, từ tổng thể đến hoa văn sao chép nguyên bản của Văn miếu cũ. Theo thiết kế, phía trước là cổng tam quan (cổng chính cao khoảng 5 m, hai cổng tả và hữu cao khoảng 2,3 m, đều bằng gỗ lim, có nghê đứng chầu). Một con đường lát gạch chạy thẳng tới hồ bán nguyệt, vòng hai lối tả và hữu đến sân rộng, 2 bên là lầu chuông, lầu trống; tả vu hữu vu là nơi tiếp khách và nhà chờ; trung tâm là nhà tiền tế để du khách dâng hương; kế sau là nhà đại bái thờ 5 danh nhân có công với nền giáo dục, văn hóa, y khoa...của nước nhà. Các cột trụ, vì kèo làm bằng gỗ lim, chạm trổ bay bổng và tinh tế; các bức hoành phi, câu đối trang trọng. Các tòa nhà xếp hình chữ “môn”, 4 mái (2 mái dài, 2 mái ngắn), lợp ngói âm dương, đỉnh nóc đắp nổi họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tĩnh Phạm Mạnh Hiền, công trình tiếp tục hoàn thiện các hạng mục để ngoài việc thờ tự còn là nơi diễn ra những buổi tôn vinh học sinh giỏi, các hoạt động liên quan giáo dục, văn hóa…

          Từ trái qua phải mỗi gian nhà đại bái là ban thờ một vị với bức tượng quang minh và gần gũi: Đại thi hào Nguyễn Du, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nhà giáo Chu Văn An, Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. 

          Nguyễn Du quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tên chữ Tố Như, tên hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 3/1/1766. Ông xuất thân trong gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Du để lại di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất. Trong 3 tập thơ chữ Hán gồm 250 bài, có những kiệt tác như: “Đọc Tiểu Thanh kí”, “Sở kiến hành”, “Long Thành cầm giả ca”, “Thái Bình mại ca giả”, “Phản chiêu hồn”… Hai kiệt tác thơ Nôm là “Truyện Kiều” gồm 3.254 câu thơ lục bát và “Văn tế thập loại chúng sinh” gồm 184 câu song thất lục bát. Công trạng lớn của Đại thi hào Nguyễn Du là đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Năm 1965, ông được Hội đồng hòa bình thế giới của UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. 

          Nguyễn Thiếp tên hiệu là La Sơn phu tử, sinh ngày 25/8/1723, tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay). La Sơn phu tử là một trong những học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Tại khoa thi Hương đầu tiên triều đại Quang Trung, năm 1789, Nguyễn Thiếp là Đề điệu kiêm Chánh chủ khảo. Là Viện trưởng Viện Sùng Chính do vua Quang Trung bổ nhiệm, Nguyễn Thiếp đã có những cải cách văn hóa, giáo dục; trong đó, chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta. 

          Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Ông có học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa; được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) Văn miếu Quốc tử giám, “trường đại học đầu tiên” của Việt Nam. Công lao lớn nhất của Chu Văn An là sáng lập trường học trong Nhân dân với chất lượng cao, ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo. Năm 2018, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020 này. 

          Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh năm 1720, quê cha ở làng Lưu Xá, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), quê mẹ ở xã Bầu Thượng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, mở trường dạy học. Hải Thượng Lãn Ông là bậc đại danh y, vừa giỏi về y thuật, nhân thuật, vừa là nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn, nhà giáo dục, nhà văn bậc thầy của dân tộc Việt Nam. Năm 1770, bộ bách khoa y thư toàn diện có tên “Lãn Ông Tâm Lĩnh” là kết quả của sau 10 năm biên soạn và 40 năm kinh nghiệm. Ông được tôn vinh là Sư tổ của nền Y học Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ. 

          Nguyễn Huy Oánh húy là Xuân, tự là Kính Hoa, hiệu là Thạc Đỉnh, sinh năm 1713. Ông quê làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1732, ông đỗ Giải nguyên, kỳ thi Hương; năm 1748, ông đỗ Đình Nguyên, Đệ nhất Giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (tức Thám hoa, đứng thứ ba trong hàng tam khôi). Nguyễn Huy Oánh được bổ dụng lần lượt các chức quan trong triều đình. Công lao của ông là đề cao việc đào tạo, giáo dục; coi trọng chất lượng đội ngũ quan lại. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học…; lưu danh là vị đại khoa đầu tiên và sáng chói nhất của dòng họ Nguyễn đất Trường Lưu. 

          Việc thờ tự này là tôn vinh truyền thống hiếu học và là nơi để các thế hệ hậu sinh của Việt Nam đến chiêm ngưỡng và học tập phát huy… Đây sẽ là một trong những địa chỉ văn hóa đặc biệt của miền Trung”.

          2. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Điện Trung

          Địa chỉ: Tổ dân phố Vĩnh Hòa - Phường Thạch Linh

       Căn cứ vào các tài liệu lịch sử của dân tộc để lại như: Lịch sử Việt Nam tập 1; Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam; Tục thờ thần và thần tích Nghệ an; Lịch sử Hà tĩnh; Từ điển Hà Tĩnh; Lịch sử Đảng bộ phường Thạch Linh… cho biết thì Điện Trung của xã Đại Tiết, huyện Thạch Hà ngày xưa – Phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh nay, được xây dựng ở làng Vĩnh Hòa nay là Tổ dân phố Vĩnh Hòa – Phường Thạch Linh – Thành phố Hà Tĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh. Điện Trung được xây dựng từ năm nào không được rõ. Phần nền đất trước đây đã bị cắt làm giao thông và thủy lợi một phần, nhưng hiện nay phần lớn diện tích đất của Điện Trung đang còn ở khu vực phía Nam sân bóng đá của Tổ dân phố Vĩnh Hòa.

      Điện Trung (tên thường gọi là Điện thờ Đình Trung)  trước đây được xây dựng trong quần thể của Đình Trung, có Điện và Đình theo trục hướng chiều dài Đông Nam – Tây Bắc, cửa Đình mở phía Tây Bắc. Phía trên Đình có Điện thờ được làm bằng gỗ mít lợp ngói âm dương một gian theo kiểu 4 mái, làm theo kiểu nhà sàn, Điện thờ được được chạm trổ hình rồng và nhiều hoa văn rất đẹp và tinh xảo trong Điện có nhiều Đạo sắc được phong nhiều đồ thờ cúng; phía dưới là Đình Trung to rộng 5 gian làm kiểu tứ trụ bằng gỗ mít lợp bằng lá mây có sân rộng; ở gian phía trên liền kề với Điện được làm Trung điện, Hạ điện 2 cấp 2 bên thành 2 dòng tả, hữu. Xung quanh được xây tường rào bao bọc. Phía trước cổng có 2 cột nanh to ở trên có 2 con nghê chầu trong Điện và trụ cổng có nhiều câu đối. Trong đó có 2 câu như sau:

      + “Đại lai tiểu vọng càn khôn thái” tạm dịch nghĩa rằng: Kẻ lớn mới được vào cổng;

     + “Tiết ngoại Hòa trung lệ nhạc hưng” tạm dịch nghĩa rằng: Đình của xã Đại Tiết đặt giữa làng Vĩnh Hòa hằng năm cúng tế thịnh vượng.

      Điện Trung thờ Thành Hoàng của xã Đại Tiết. Điện Trung trước đây được thờ các vị thần sau:

      1. Thần Lý Thái Úy Tô Đại Liêu tức Tô Hiến Thành (1102-1179) Thời Nhà Lý). Vị hiệu cúng của Ngài là: “Tam tòa Thành Hoàng Lý thái Úy Tô Đại Liêu  thượng đẳng thần”.

      2. Vị Thần thứ 2 là Hoàng bảng Đại tướng quân Hà Tông Chính (1366-1413). Vị hiệu cúng của Ngài là: “ Hoàng bảng Đại tướng quân Thượng đẳng thần” Vị thần này từ Làng Yên Lệ (Yên Hòa - nay là Khối phố 6 – Phường Nguyễn Du – Thành phố Hà Tĩnh) rước lên trước đây.

     3. Hai vị thần của 2 họ trong xã Đại Tiết cùng rước về đây để làm tế lễ hằng năm đó là:

     + Vị Thánh mẫu của họ Lê Văn hiện nay có đền thờ tại Tổ dân phố Tuy Hòa.

     + Vị Tướng quân Trương Quang Thiều của Họ Trương Quang hiện nay có nhà thờ ở Tổ dân phố Vĩnh Hòa.

      4. Ngoài ra Đình Trung còn thờ vị Thám hoa, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) để vinh danh đất học làm gương cho thế hệ con cháu mai sau.

     Được biết trước đây tại Điện Trung có rất nhiều đạo sắc, nhưng sau thời kỳ cải cách ruộng đất theo chủ trương hợp tự các đình chùa cho nên các sắc phong được rước về Miệu Chai thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sau đó do hỏa hoạn nên các sắc phong bị cháy hiện tại chỉ còn 02 đạo sắc phong lưu giữ tại Điện Trung. Trước đây nhân dân các vùng về tế tại Điện Trung bao gồm 2 thôn của xã Đại Tiết: Thôn Yên Lễ (nay là Tổ dân phố 6 – Phường Nguyễn Du) và Thôn Đại Hào. Thôn Đại Hào bao gồm các vùng sau: Làng Cồn (Tuy Hòa xóm trong), Làng Tuy Hòa (một phần của Tổ 1 – Trần Phú), Làng Vĩnh Hòa, Làng Vĩnh Yên (Tổ 2 - Trần Phú), Làng Tân Hợp (Tổ 4 – Trần Phú), Làng Đùng Sang (Tổ 9 - Trần Phú) hiện nay.

     Hằng năm được tổ chức tế lễ chính vào ngày mồng 6 và mồng 7 tháng giêng âm lịch. Ngoài ra các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy cũng được dân làng làm lễ. Ngoài lễ rước đạo sắc chính ra thì các Làng và các Họ trong xã Đại Tiết có từng lễ rước riêng được rước về điện và tổ chức rất trang nghiêm, đồng thời còn tổ chức các trò chơi dân gian. Đình Trung còn là nơi thường xuyên tổ chức sinh hoạt cộng đồng và còn là nơi dạy học.

     Do chiến tranh và do sự đổi thay của đất nước Điện Trung và Đình Trung được dỡ bỏ hoàn toàn vào khoảng năm 1965-1966 thời kỳ chuyển hợp tác xã cấp thấp lên cấp cao, sau khi dỡ bỏ vật liệu của Điện thờ và Đình Trung được dùng vào việc xây dựng các công trình cho các xóm. Sau đó hợp tác xã Bắc Liên dựng lại nhà kho 6 gian trên nền Đình Trung để làm kho hợp tác và là nhà sinh hoạt của xóm Vĩnh Hòa. Khi làm hai đường giao thông và kênh tưới nước N1-9-17 phục vụ sản xuất cho xã Thạch Trung đã đi qua một phần đất của Điện thờ và sân Đình Trung, sau đó khu vực sân đình và nhà kho được dỡ bỏ hoàn toàn và nhà sinh hoạt xóm được chuyển sang địa điểm mới vào năm 1982 ở sát kênh N1-9 ở phía Đông Nam giáp khu vực Đình Trung. Phần nền đất cũ của Đình Trung được đào làm giếng nước dùng cho sinh hoạt. Được một thời gian ngắn nước giếng bị ô nhiểm nên người dân bỏ hoang không dùng nữa.

     Để thể hiện tín ngưỡng thờ Thành Hoàng trong đời sống tâm linh của người dân từ bao đời nay, thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân Tổ dân phố Vĩnh Hòa được khôi phục lại Điện Trung nơi thờ Thành Hoàng của xã Đại Tiết xưa – Phường Thạch Linh nay, nhằm bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá của cha ông để lại đã thành hiện thực; nơi đây là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hóa giữa các làng với nhau, là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể nhằm ghi nhớ được công lao của các vị tiền bối với nước, với làng.

     Ngày 01 tháng 12 năm Giáp Ngọ tức ngày 20/01/2015 sau nhiều năm chuẩn bị các tài liệu hồ sơ, tìm kiếm hình mẫu thiết kế với sự góp ý của các vị cao niên trong tổ dân phố cũng như các cụ trước đây thường về hành lễ tại Điện Trung. Điện Trung được động thổ khởi công tôn tạo lại theo nguyện vọng của bà con nhân dân Tổ dân phố Vĩnh Hòa cũng như bà con lân cận. Ngay tại ngày làm lễ động thổ có gần 100 bà con nhân dân tham dự và đã đóng góp ủng hộ trên 120 triệu đồng; bước đầu đã nạo vét, làm mương thoát bẩn, đổ mặt bằng chuẩn bị cho công tác thi công. Nhân dịp đón tết Ất Mùi (2015) mặc dù chưa xây dựng lại được Điện thờ nhưng Tổ dân phố Vĩnh Hòa vẫn tổ chức dựng rạp đặt bàn thờ để cho nhân dân Vĩnh Hòa cũng như nhân dân các vùng lân cận về thắp hương. Vào sáng ngày 06 tháng giêng năm Ất Mùi (24/02/2015) Nhân dân tổ dân phố Vĩnh Hòa đã tổ chức lễ tế các vị thần sau gần 70 năm bị lãng quên. Ngày 16 tháng hai năm Ất Mùi tức ngày 04/4/2015 Điện Trung tiếp tục được xây dựng lại với quy mô gồm: Điện chính, Ban Lỗ Thiên, 2 ban Tả, Hữu, Ban Cộng đồng; sân, hàng rào, nhà bài trí đồ lễ, cổng chính và tắc môn với tổng diện tích khuôn viên trên 600m2. Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 22/8/2015 (tức ngày 09/7 năm Ất mùi) là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân Tổ dân phố Vĩnh Hòa cũng như nhân dân các vùng lân cận. Kinh phí để tôn tạo lại Đình Trung trên 550 triệu đồng. Nguồn kinh phí này là do sự tự nguyện đóng góp của bà con nhân dân Vĩnh Hòa cũng như nhân dân sống vùng lân cận.

       Căn cứ theo hồ sơ hiện có và lịch sử để lại, thể theo nguyện vọng của nhân dân tổ dân phố Vĩnh Hòa UBND phường Thạch Linh đã trình hồ sơ lên UBND thành phố Hà Tĩnh, Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng liên quan đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với những chứng tích lịch và sự nỗ lực của các cơ quan, ban ngành chuyên môn của tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền phường Thạch Linh, ngày 02/12/2020 UBND tỉnh Hà tĩnh đã có Quyết định số 4107/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho 15 di tích trên địa bàn Hà Tĩnh, trong đó có di tích Điện Trung của tổ dân phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh.

         3. Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh: Nhà thờ họ Trương Quang.

         Địa chỉ: Tổ dân phố Vĩnh Hoà - Phường Thạch Linh

         Nhà thờ họ Trương Quang là nơi thờ tự Trung dũng Đại tướng quân Trương Quang Thiều, ông sinh năm Canh Thìn (1760), mất năm Tân Hợi đời Vua Quang Trung (1791). Tương truyền khi còn nhỏ ông là một người thông minh, lanh lợi và có sức khỏe hơn người. Lớn lên ông tham gia vào nghĩa quân và được sung vào lính ngự lâm bảo vệ chiến thuyền Vua Quang Trung vi hành trên biển. Trong một trận thủy chiến với quân địch, ông đã dũng cảm bảo vệ nhà vua và anh dũng hy sinh. Về sau để tưởng nhớ công lao của ông cho đất nước, nhân dân địa phương và con cháu họ tộc đã lập đàn chiêu hồn cải táng xây cất phần mộ cho ông tại quê nhà. Ông đã được các đời vua nhà Nguyễn ban tặng sắc phong, giao cho dân làng thờ phụng, hiện tại dòng họ còn đang lưu giữ 02 sắc phong của ông.

       Với những công lao của Trung dũng Đại tướng quân Trương Quang Thiều, Nhà thờ họ Trương Quang nơi thờ Trương Quang Thiều ở tại Tổ dân phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011.

       4. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đền Thánh mẫu và Nhà thờ họ Lê Văn

       Địa chỉ: Tổ dân phố Tuy Hòa - Phường Thạch Linh

      Đền Thánh mẫu và Nhà thờ họ Lê Văn thuộc tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thạch Linh, là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nơi thờ tự, tưởng niệm các danh thần thuộc dòng họ Lê Văn có công với quê hương đất nước qua các triều đại.

     Đặc biệt, trong đó có liệt nữ Lê Thị Hiên, người đã có công với dân với nước vào thời kỳ cuối nhà Lê, đã được vua Khải Định phong 2 sắc phong là: “Vân đình thánh mẫu, quý nương linh ứng chi thần” và “Trai tịnh dục bảo trung hưng trung đẳng thần”, được nhân dân xã Đại Tiết (cũ) tôn làm Thành hoàng. Hằng năm, cứ vào ngày ngày 7 tháng Giêng và ngày rằm tháng Sáu (âm lịch), dòng họ Lê Văn và nhân dân phường Thạch Linh tổ chức tế lễ và rước sắc phong thể hiện lòng tôn kính với các bậc tiền nhân đã có công giúp nước, giúp dân.

     Với bề dày các giá trị lịch sử văn hóa, năm 2014 UBND tỉnh đã công nhận Đền Thánh mẫu và Nhà thờ họ Lê Văn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

        5. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Miếu Đương Cảnh

        Địa chỉ: Tổ dân phố Đại Đồng - Phường Thạch Linh

      Miếu Đương Cảnh là nơi thờ tự Đề Đốc Trung Lương hầu tên thật là Văn Chất - một vị quan văn võ song toàn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Qua nghiên cứu gia phả dòng tộc Nguyễn Văn cho biết: Nguyễn Văn Chất sinh ngày 28 tháng 3 năm Quý Hợi ( 1623), tại Làng Trùa xã Tông Lỗ, Phủ Hà Hoa. Nay là Tổ dân phố Đại Đồng, phường Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh. Tuổi niên thiếu ông đã có chí lớn và lòng yêu nước thương dân, căm ghét quân tham tàn bạo ngược. Nguyễn Văn Chất vốn là một võ tướng tâm phúc của đại nguyên soái thượng thư Thái phụ tây quốc công Trịnh Tráng. Ông từng lập nhiều chiến công trong việc đánh tan bọn giặc Tàu Ô xâm nhập quấy phá vùng biển miền trung nước ta. Được triều đình nhiều lần phong chức tước: Đề Đốc; Đặc tiến tán trị công thần phụ quốc; Điện tiền đồ hiệu Điểm ty công thần; Đặc tiến phụ tô hiệu điểm ty, tạ hiệu điểm Trung Quận Công vì có công giúp vua cứu nước. Năm 1678, sau khi ông mất, triều đình vô cùng thương tiếc một võ tướng tài ba, trung nghĩa bèn cho nhân dân lập miếu thờ ngay cạnh con sông Đông êm đềm thơ mộng, trên chính mảnh đất làng Trùa quê hương ông. Quá trình thờ tự, với nhiều sự trải nghiệm, nhận thấy linh hồn ngài rất linh thiêng, luôn phù hộ độ trì che chở cho dân chúng, mang lại cuộc sống bình yên no ấm nên nhân dân đã gọi với một niềm tôn kính là Miếu Đương Cảnh Thành hoàng làng.

     Sau khi mất, triều đình vô cùng thương tiếc một võ tướng tài ba, trung nghĩa, liền ban dân lập miếu thờ trên chính mảnh đất Làng Trùa quê hương ông, ngay cạnh con sông Đông êm đềm thơ mộng. Ngôi miếu nhỏ linh thiêng đã trở thành nơi thờ tự bậc siêu trần, luôn ban ân đức cho mọi người, những giai thoại về sự hiển linh của vị Trung Quận Công Nguyễn Văn Chất đối với dân làng Tôn Lỗ được truyền từ đời này sang đời khác. Năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678) Quan viên quý chức, hương sắc, hương lão ở xã Tông Lỗ Huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa cùng toàn xã lớn nhỏ tôn bầu cai quan đề đốc Trung Lang Hầu Nguyễn Lệnh Công húy Văn Chất làm Phúc Thần, đồng thời lập bia “ Suy Tôn Phúc Thần văn ký” để ghi nhớ công lao.

     Trước kia hàng năm vào ngày 10/2 Âm lịch, nhân dân khắp vùng làm 9 mâm cỗ thịnh soạn tụ hội về miếu để làm lễ giỗ Ngài, chiêng trống, cờ xí rợp trời, ngoài ra còn tổ chức các trò chơi dân gian như vật cù, đánh đu, đánh đáo, múa lân, diễn tuồng chèo…

     Trong thời kỳ cách mạng, Miếu Đương Cảnh được chọn làm nơi cất dấu tài liệu, in ấn truyền đơn, tổ chức các cuộc họp của chi bộ Đảng Đông Lỗ. Sau cách mạng tháng 8 thành công, Miếu Đương Cảnh lại là nơi cất dấu vũ khí, nơi tập trận của lực lượng dân quân địa phương, các đội tự vệ và dân quân du kích. Tháng 7 năm 1953, miếu bị thực dân pháp ném bom phá hủy hoàn toàn và trở thành phế tích nên con cháu dòng họ Nguyễn Văn xin rước long ngai bài vị ngài về thờ phụng tại nhà thờ đại tôn (nay thuộc TDP Đại Đồng, phường Thạch Linh), đồng thời nhân dân tự nguyện lập bài vị Phúc Thần Nguyễn văn Chất về thờ hợp tự tại Miếu Chai ở xóm Tây Đài, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.

     Với những chứng tích lịch sử đó, năm 2016 với sự nỗ lực của các cơ quan, ban ngành chuyên môn của tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động sức người, sức của phục dụng lại miếu Đương Cảnh với kiến trúc gần nguyên bản trên nền đất cũ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là nơi gửi gắm niềm tin và mong ước của nhân dân. Miếu được xây dựng trên một khu đất rộng rãi, thoáng mát, quy tụ được khí thiêng của trời đất, diện tích khoảng 1000 m2. Miếu ngoảnh về hướng nam, phía trước có dòng sông Đông hiền hòa xanh mát quanh năm, phía tây và phía Bắc được bao quanh bởi đường Vũ Quang và đường tránh quốc lộ 1A, thuận tiện cho giao thông đi lại, phía Đông là khu dân cư bao bọc. Miếu gồm cổng, Tắc môn, ban thờ ngoài trời, thượng điện, điện thờ thần tổ các dòng họ  và bàn thờ thần thổ địa.

     Năm 2018, sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh lập hồ sơ khoa học di tích miếu Đương Cảnh trình UBND Tỉnh xếp hạng, đến ngày 14/12/2018, Miếu Đương Cảnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh  công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3788/QĐ-UBND.

        6. Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh: Bia Tiết Phụ.

        Địa chỉ: Tổ dân phố Nhật Tân - Phường Thạch Linh.

     Di tích Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà nay thuộc khối phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh.  Bia Tiết Phụ ghi lại sự tích về hai người vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất là bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng, hai chị em người Lê Xá, xã Đông Lỗ. Bà Nguyễn Thị Đã sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) đời vua Lê Kính Tông. Bà Nguyễn Thị Năng sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Hoàng Định thứ 15 (1614).

     Thạch Quận Công Nguyễn Văn Chất quê ở xã Đông Lỗ, là vị quan đời vua Lê Chân Tông, trong khi thân chinh đi đánh giặc Tàu Ô đã anh dũng hi sinh (năm 1648 niên hiệu Phúc Thái thứ 6) và được truy tặng Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thạch Quận Công. Sau khi Thạch Quận Công mất, hai chi em bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng điều chưa có con, cả hai điều còn trẻ và xinh đẹp nhưng ở vậy nuôi người cháu họ làm con để thừa tự. Triều đình nhà Lê nghe tin cho triệu vào Kinh, ban thưởng rất hậu, phong cho hai bà là Trinh tiết quân phu nhân, cấp cho 10 mẫu ruộng, lại ban cho biển ngạch đề ba chữ Hán “Tiết Phụ Môn”.

     Điều đáng chú ý là trên tấm bia đá có bài Văn bia ghi rõ ngày mồng mười tháng mười một năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) do Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương - nhà trước tác có tầm cỡ trong nước thời bấy giờ soạn (Hồ Sĩ Dương người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652), lại đỗ Nhị danh khoa Đông các năm Kỷ Hợi (1659), làm quan đến chức Thượng thư, tước Duệ Quận công).

     Bia Tiết Phụ là một công trình kiến trúc bao gồm: cổng vào, tắc môn, ban thờ, bia đá được bao bọc bởi hàng rào xây kín xung quanh cao 1,2 m, phía trước có cửa rộng (hai cánh cửa bằng sắt). Trước cổng vào có hồ bán nguyệt trồng sen và hoa súng. Bia đá có hình trụ chữ nhật làm bằng chất liệu đá Thanh Hóa. Bia cao 1,85m mỗi mặt bia rộng 0,73m, trên diềm bia có trang trí các hoa văn hình mây lửa, bốn mặt đều khắc chữ hán. Hai mặt bia phía bắc và phía đông do bị mưa gió bào mòn nên các chữ Hán bị mờ không đọc được, hai mặt còn lại vẫn có thể đọc chữ Hán. Bênh cạnh là nhà đón tiếp được xây bằng chất liệu bê tông theo kiểu kiến trúc cổ.

     Bia Tiết Phụ là một di san văn hóa hết sức quý giá, có giá trị về nhiều mặt và có lịch sử tồn tại lâu đời. Nội dung văn bia ghi lại sự tích hết sức cảm động và đáng trân trọng của hai chị em bà Nguyễn Thị Đã, Nguyễn Thị Năng về sự chung thủy và tiết hạnh. Đây là một bài học lớn về đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Hình thức của tấm bia sau hơn 300 vẫn còn nguyên vẹn sẽ giúp ích cho những người quan tâm đến công tác nghiên cứu về kỹ thuật chế tác đá, hình thức khắc văn bia, mỹ thuật trang trí dưới thời Lê cuối thế kỷ XVII…

     Từ những giá trị to lớn đó mà Bia Tiết Phụ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Hàng năm Cán bộ và nhân dân địa phương làm lễ giỗ 2 bà vào ngày 12/5 âm lịch.

      7. Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh: Nhà thờ Tiến sỹ Nguyễn Tất Bột.

     Địa chỉ: Tổ dân phố Tân Tiến - Phường Thạch Linh.

      Tiến sỹ Nguyễn Tất Bột sinh năm kỷ mùi (1439). Tổ phụ của ông là Nguyễn Chấn vốn là người phủ Diễn Châu, Nghệ An, làm quan cuối nhà Trần, nhà Hồ làm vua ông cùng con trai là Nguyễn Tất Điệt về ở ẩn đất Đông Lộ và đổi tên là Nguyễn Tất Vinh. Khi Lê Lợi vào xây dựng căn cứ chống giặc Minh ở Đỗ Gia (Hương Sơn) hai cha con ông đều ra ứng nghĩa có công lớn. Nguyễn Tất Vinh được phong Chánh đốc trấn Nghệ An, Nguyễn Tất Điệt được bổ làm tri phủ Hà Hoa (Thạch Hà-Cẩm Xuyên-Kỳ Anh ngày nay). Nguyễn Tất Bột là con trai Nguyễn Tất Điệt, mẹ mất sớm cha đi làm quan xa và không bao lâu sau cũng qua đời. Ông được người bà nội họ Trương nuôi dạy khôn lớn và cho học hành tử tế. Khoa thi Hội năm Bính Tuất (1466) ông đỗ Tiến sỹ lúc mới 28 tuổi. Sau đó ra làm quan, thăng dần đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Hữu thị lang bộ Hộ. Thời kỳ ông làm quan ở kinh đô (1483) đất nước ta thanh bình, nhân dân yên ổn làm ăn. Song cũng xảy ra tình trạng bọn quyền quý, quan lại sống xã hoa, trong nhà nuôi nhiều tỳ thiếp, nô bộc phục dịch và đối xử với họ hà khắc, tàn ác. Với chức trách của mình ông đã phát hiện và lệnh bắt các vệ, phủ lập danh sách nô tỳ để kiểm tra giám sát. Ông cũng tâu Vua “... Cấm mua bán, ức hiếp đã có lệnh rất nghiêm, vậy mà các nhà quyền hào vẫn chưa đổi thói cũ hại dân chúng, hòng chính sự, không tệ gì bằng. Kể từ nay phủ Phụng Thiên và 2 ty thừa hiến các xứ phải nhắc lại lệnh cũ, cấm đoán, răn bảo. Các nhà sắm sửa lễ vật cưới xin, nếu mua bán ở hàng chợ dân gian, hàng hóa lớn nhỏ đều phải theo thời giá, không được theo thói gian ngoan như trước, ỷ thế cậy oai, mua hiếp, cướp đoạt, kẻ nào vi phạm thì trị tội”. Cũng thời gian này kinh đô Thăng Long có một số thay đổi như Văn Miếu Quốc Tử Giám làm thêm điện Đại Thành, Cảnh Phục, kho chứa ván in sách. Khoa thi Hương ở kinh đô theo quy định do Phủ doãn phủ Thượng Thiên tổ chức. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam những người đỗ Tiến sỹ từ khoa thi 1442 được khắc tên lên bia đá dựng ở Văn Miếu... Các việc này đều có công rất lớn của Nguyễn Tất Bột. Sau khi mất tại quê nhà ông được nhân dân địa phương tôn làm Thành hoàng và lập miếu thờ, gọi là “Miếu làng Dương”. Rất tiếc ngôi miếu này đã bị hủy hoại. Các triều đại Lê – Nguyễn đều có sắc phong thần cho ông với vị hiệu “Tiền Lê triều Tiến sỹ, sĩ chi Hộ bộ thị lang, Triều liệt đại phu, Tham chính tri thức Đoan túc dực bảo trung hưng Quang ý Trung đẳng thần”. Hiện nay dòng họ Nguyễn Tất đang lưu giữ 01 đạo sắc của vua Thanh Thái phong cho ông.

          Việc thờ phụng Tiến sỹ Nguyễn Tất Bột hiện nay do hậu duệ dòng họ thực hiện tại nhà thờ Nguyễn Tất đại tôn, tổ dân phố Tân Tiến, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây có ngôi miếu nhỏ dựng bên cạnh nhà thờ, trước miếu có 2 câu chữ Hán “ Lê triều Tiến sỹ - Đông Lộ Thánh nhân”. Nhà thờ Nguyễn Tất nơi thờ Nguyễn Tất Bột đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011./.

                                                                                                                                                                                                                                           Trần Xuân Quang

 

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 186.059
Online: 35