Ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

1. Không còn quy định Trưởng công an xã là công chức cấp xã

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về các chức danh công chức cấp xã như sau:

- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;

- Văn phòng – thống kê;

- Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

- Tài chính – kế toán;

- Tư pháp – hộ tịch;

- Văn hóa – xã hội. 

Hiện hành theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì các chức danh công chức cấp xã gồm:

- Trưởng Công an;

- Chỉ huy trưởng Quân sự;

- Văn phòng – thống kê;

- Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

- Tài chính – kế toán;

- Tư pháp – hộ tịch;

- Văn hóa – xã hội.

2. Quy định mới về số lượng cán bộ, công chức cấp xã

Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:

+ Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người;

+ Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức ở cấp xã tăng thêm như sau:

+ Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức;

+ Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 công chức.

- Quy mô dân số (bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) và diện tích tự nhiên tính đến ngày 31/12 hàng năm để xác định số lượng 1 cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Trường hợp ở đơn vị hành chính cấp xã tính đến ngày 31/12 hàng năm có thay đổi về quy mô dân số, diện tích tự nhiên quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP hoặc có thay đổi về loại đơn vị hành chính thì:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cung cấp xem xét, điều chỉnh tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã (tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh) bảo đảm theo đúng quy định.

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải:

Bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP.

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng cổng chức của từng chức danh công chức cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã. 

Số lượng cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã có thể thấp hơn mức của cấp xã loại III hoặc có thể cao hơn mức của cấp xã loại I tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định bao gồm cả người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã và cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

Trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.

Hiện hành theo Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) về số lượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

+ Loại 1: tối đa 23 người;

+ Loại 2: tối đa 21 người;

+ Loại 3: tối đa 19 người.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP), bảo đảm đúng với chức danh quy định tại Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Đối với các xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) giảm 01 người.

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. 

Riêng trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo Nghị định 08/2016/NĐ-CP về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.

3. Tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã với địa phương đông dân cư

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã như sau:

- Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: 

+ Loại I là 14 người;

+ Loại II là 12 người; 

+ Loại III là 10 người.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm như sau:

+ Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

+ Ngoài việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.

Hiện hành, tại Điều 13 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn:

- Loại 1 tối đa 14 người.

- Loại 2 tối đa 12 người.

- Loại 3 tối đa 10 người.

So với hiện hành, đã bổ sung quy định tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã với địa phương có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định.

4. Tăng mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách cấp xã như sau:

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

- Đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;

- Đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;

- Đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.

Hiện hành, theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế.

Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:

- Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;

- Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;

- Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.

5. Tăng mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Theo đó, mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:

Thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:

- Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở

Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở;

- Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở;

- Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.

Hiện hành, theo khoản 2 Điều 14a Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố như sau:

Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. 

Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào quỹ phụ cấp quy định tại khoản 2 Điều 14a Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP) và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.

 

NTMN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 195.591
    Online: 5